Skip to content

Giá vật liệu xây dựng “bốc đầu”, người xây nhà méo mặt vì chi phí đội lên chóng mặt

Trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng “bốc đầu”, nhiều gia đình đang rơi vào cảnh lao đao vì kế hoạch xây nhà bị đảo lộn hoàn toàn. Những mặt hàng thiết yếu như cát, gạch, thép, xi măng liên tục tăng giá, khiến không ít người lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Xây dở dang, tiến không được – lùi không xong

Vợ chồng anh Trung tại xã Phú Cát, TP Hà Nội (thuộc huyện Quốc Oai cũ), đã bắt đầu xây dựng tổ ấm trên mảnh đất thừa kế từ tháng 5/2025. Tuy nhiên, chỉ sau ít tuần khởi công, anh không khỏi hoảng hốt khi giá gạch tăng chóng mặt từ 1.200 đồng/viên lên 1.800 đồng/viên. Đồng thời, giá cát đen cũng leo thang từ 210.000 đồng/m³ lên tới 450.000 đồng/m³, trong khi cát vàng – loại dùng để đổ bê tông – tăng gấp đôi, vượt mốc 900.000 đồng/m³.

Cùng với đó, các vật liệu khác như xi măng, sắt thép, bê tông tươi cũng đồng loạt tăng giá, khiến khoản tài chính dự trù trước đó trở nên thiếu hụt trầm trọng.

“Công trình đang xây dở, dừng thì lãng phí mà tiếp tục thì phải đi vay nợ. Giá vật liệu xây dựng ‘bốc đầu’ khiến chúng tôi thật sự rối trí và bất an”, anh Trung chia sẻ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với gia đình anh Tuyến, cũng tại xã Phú Cát. Dù đã lên kế hoạch khởi công trong tháng 7/2025 với khoản tiết kiệm gần một tỷ đồng, vợ chồng anh buộc phải hoãn lại do chi phí xây nhà hiện tại đã vượt quá khả năng chi trả.

Nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tăng vọt

Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), giá nhiều loại vật liệu như cát, đá đang tăng mạnh tại nhiều tỉnh thành. Có nơi giá cát vượt mốc 1 triệu đồng/m³, tăng từ 30% đến 60% chỉ trong vòng một tháng. Cùng lúc đó, giá thép cũng nhích lên từ 100.000 – 270.000 đồng/tấn tùy khu vực.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc, sân bay, cảng biển… đồng loạt triển khai, khiến nhu cầu vật liệu tăng vọt. Trong khi đó, nhiều mỏ khai thác bị tạm dừng do vướng quy trình cấp phép hoặc hết hạn, dẫn đến tình trạng nguồn cung bị gián đoạn.

Ông Phạm Văn Bắc – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam – nhận định: “Khi nguồn cung eo hẹp nhưng nhu cầu không ngừng tăng, việc giá vật liệu xây dựng leo thang là điều không thể tránh khỏi”.

Chính phủ vào cuộc ổn định thị trường

Trước thực trạng giá vật liệu xây dựng “bốc đầu”, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi găm hàng, thổi giá, đồng thời khẩn trương quy hoạch và khai thác lại các mỏ vật liệu, đảm bảo cân đối cung – cầu trên thị trường.

Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các địa phương rà soát khả năng cung ứng, tính toán năng lực sản xuất và phân phối vật liệu để bình ổn thị trường trong ngắn và trung hạn.

Tin liên quan